Đối với một số học sinh, môn Vật lý rất khó để học tốt. Nhưng với nhiều người , đây lại là môn học rất thú vị.
Môn vật lý là môn nghiên cứu những hiện tượng xảy ra trong đời sống. Nên chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là có thể hiểu và tìm được hướng giải cho bài toán vật lý. Phần còn lại là áp dụng công thức đã học cùng với những dữ kiện của đề bài, thêm một chút tính toán; vậy là bạn có thể giải bài toán lý một cách dễ dàng. Điều quan trọng là phải hiểu rõ công thức để không làm sai.
Sau đó là công thức tính toán, môn lý có hai phần: thứ nhất là phần lý thuyết, thứ hai là phần bài tập. Việc nhớ rõ công thức là điều rất quan trọng. Vì nếu các bạn nhớ sai công thức thì kết quả bài làm sẽ sai. Lúc học những công thức mới, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó nhớ. Nhưng hãy khoan cố gắng học công thức ngay từ đầu mà hãy lấy bài tập ra làm. Trong lúc làm vẫn lấy công thức ra xem. Nhưng rồi làm nhiều bài như vậy, khoảng 10 bài chúng ta đã nhớ công thức. Như vậy vừa hiểu rõ công thức, vừa biết áp dụng đúng và nhớ công thức lâu.
Một việc nữa là trong sách giáo khoa, để cho dễ hiểu, người ta thường đưa ra những công thức rút gọn cho những trường hợp đặc biệt từ một công thức tổng quát. Và điều này giúp học sinh làm câu hỏi trắc nghiệm nhanh hơn. Vì thế số lượng công thức mà học sinh phải học là nhiều hơn và khó nhớ hơn. Điều này dễ làm rối học sinh.
Chúng ta nên nhớ một công thức gốc, rồi tùy trường hợp mà đơn giản công thức lại. Nếu bạn nào có thể nhớ hết thì rất tốt, nhưng số lượng công thức là nhiều, rất nguy hiểm khi các bạn nhớ không rõ công thức, và việc nhớ một công thức tổng quát sẽ giúp các bạn cảm thấy dễ chịu hơn và nhớ lâu hơn. Và nếu làm nhiều các bạn sẽ quen với những trường hợp đặc biệt mà không cần cố nhớ công thức cho những trường hợp đặc biệt lúc đầu.
Trình tự làm một bài toán vật lý:
– Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào.
– Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu.
– Đổi đơn vị nếu cần (các bạn thường không để ý hay quên làm bước này).
– Suy nghĩ những công thức nào có thể dùng để giải.
– Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số).
– Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.
– Để ý đơn vị của kết quả có phù hợp thực tế không.
Về việc tóm tắt đề bài, một số bạn không làm bước này mà tìm những dữ kiện cần thiết trong đề. Điều này dễ làm rối vì trong đề có rất nhiều chữ và những con số cần thiết thì không nhiều. Việc tóm tắt sẽ giúp các bạn biết được đề bài cho những đại lượng nào, đại lượng nào chưa có để có hướng giải cho bài toán.
Còn một điều nữa là thông thường các bạn hay than vãn về một môn nào đó mà bạn không giỏi. Và tại vì không giỏi nên làm thế nào cũng không giỏi, không chịu dành thời gian nhiều hơn cho môn đó. Các bạn thường tập trung cho những môn mình giỏi, dành nhiều thời gian hơn cho những môn đó và ít dành thời gian cho những môn không giỏi. Vậy là môn giỏi thì càng giỏi và môn không giỏi thì càng không giỏi.
Đây là một số kinh nghiệm để học tốt môn Vật Lý.
Hy vọng có thể giúp phần nào cho các bạn học tốt hơn trong môn tự nhiên này và những môn khác nữa.
ST: Báo Giáo dục và Thời đại