Không chỉ đơn thuần là những chuyển động thông thường, thai máy còn thể hiện tình trạng sức khỏe của thai nhi. Bà mẹ có thể theo dõi hoạt động của thai trong bụng mẹ bằng cách đếm số lần thai máy để biết con mình có khỏe hay không. Nếu số lần thai máy giảm xuống, điều đó chứng tỏ tình trạng sức khỏe của thai nhi có vấn đề gì đó, cần đi siêu âm để biết rõ hơn tình trạng của thai nhi. Khi không thấy thai nhi đạp suốt một ngày, bạn cần đi khám khẩn cấp.
Khi nào bắt đầu xuất hiện hiện tượng thai máy?
Thông thường, các bà bầu sẽ bắt đầu cảm nhận được những cử động của thai nhi khi bước vào tuần 20-22 của thai kỳ. Giai đoạn đầu mới đạp, cử động của thai nhi không đều đặn và hơi yếu, khiến bà mẹ phải để ý rất kỹ mới thấy được. Nhưng khi bước vào tuần 30 – 32 thì bé đạp khỏe hơn và đều đặn hơn. Khi thai bắt đầu đạp rõ rệt, bà mẹ nên theo dõi lịch trình đạp của bé để biết rõ tình trạng sức khỏe của thai nhi. Các bác sĩ thường đưa ra lời khuyên, bà mẹ nên đếm số lần bé đạp trong mỗi giờ để có định lượng rõ ràng khi theo dõi.
Cảm nhận đầu tiên có thể là trong khoảng tuần 15 đến 21. Thực ra bé đã bắt đầu chuyển động từ tuần thứ 6 hoặc 7 và bạn có lẽ đã nhìn thấy qua hình ảnh siêu âm nhưng những cử động này còn quá yếu ớt để bạn có thể nhận ra.
Các bà mẹ sinh con thứ có thể nhận ra những chuyển động nhẹ đầu tiên – còn gọi là “thai máy” – sớm hơn những người mới làm mẹ lần đầu. Lúc mới đầu, có thể bạn sẽ nhầm lẫn giữa chuyện thai máy và cảm giác sôi bụng vì đói. Những phụ nữ gầy thường có xu hướng cảm nhận thai máy sớm hơn.
Thai máy như thế nào? Các bà mẹ mang thai miêu tả cảm giác này bằng nhiều cách khác nhau như bắp rang nổ, cá quẫy, bươm bướm đập cánh hay một cái vỗ nhẹ. Ban đầu, bạn có thể sẽ nghĩ rằng đó là cảm giác do đầy hơi hoặc đói bụng, nhưng khi bắt đầu cảm nhận chúng thường xuyên hơn, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt. Bạn có thể cảm thấy em bé máy khi đang ngồi hoặc nằm yên.
Khi nào mẹ bầu cần lưu ý về hiện tượng thai máy:
Khi bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ, bác sĩ có thể đề nghị bạn đếm số lần máy của bé trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày.
Những kiến thức mang thai cần thiết về thai máy:
Thai máy không chỉ có đạp: Với cách nói thông thường “em bé đạp bụng mẹ”, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng thai máy là hoạt động đạp bụng mẹ của bé. Nhưng bé thật ra không chỉ đạp mà còn xoay người, giơ tay, nhào lộn… Thậm chí bé còn tranh giành nhau chỗ nằm thoải mái nếu là song thai trong bụng mẹ. Mẹ khó có thể phân biệt được các loại cử động này.
Bé có thể phản ứng lại những tác nhân bên ngoài bụng mẹ: Hoạt động chuyển người của bé như đạp mạnh chân lên bụng mẹ là một hiện tượng thường bắt gặp. Nhưng thỉnh thoảng sự quẫy đạp của bé hoàn toàn không vì tự nhiên mà vì đang phản ứng lại với những tác động bên ngoài như ánh sáng, âm thanh hay mùi vị…
Thai máy nhiều hơn sau bữa ăn của mẹ: Bé bình thường sẽ đạp mẹ khoảng 15 đến 20 lần mỗi ngày. Nếu mẹ thấy bé đạp ở tuần suất này thì có thể yên tâm là bé khỏe mạnh. Tuy nhiên bé thường đạp nhiều hơn sau bữa ăn của mẹ, giống như cách bé phản ứng lại với các kích thích như đã nói ở trên. Ví dụ khi mẹ ăn mắm nặng mùi như mắm tôm, mắm nêm…thì bé sẽ phản ứng lại thực phẩm này bằng cách quẫy đạp nhiều hơn.
Thai máy cũng có nguyên tắc: Không phải lúc nào bé cũng đạp bụng mẹ. Mà bé thường chuyển động vào những thời gian cố định như sáng sớm, giữa trưa, chiều tối. Thường bé sẽ thức vào những lúc này theo đồng hồ sinh học của mình. Trung bình cứ cách nhau 3 đến 4 giờ thì thai lại máy một lần.
Bé bắt đầu đạp vào khoảng 8 tuần tuổi: Thường đến tuần thứ 18 hay 19 mẹ mới cảm thấy được thai máy. Nhưng trên thực tế thai nhi đã máy từ lúc mới 8 tuần tuổi. Nhưng do chuyển động này quá nhẹ do bé còn nhỏ nên mẹ chưa cảm nhận được.
Nhầm lẫn thai máy với hoạt động dạ dày hoặc co bóp tử cung: Những chuyện động của bé lúc chưa rõ ràng có vẻ trông giống như hoạt động của ruột hay dạ dày. Vì vậy nếu mẹ cảm thấy thai máy quá sớm ( khoảng trước 13 tuần tuổi thai) thì có thể mẹ đang nhầm lẫn giữa hai biểu hiện này. Thậm chí, ở tháng gần sinh, các cơn gò tử cung cũng khiến bạn có thể nhầm lẫn. Phân biệt như sau: gò tử cung khiến vùng bụng cứng lên toàn bộ và có thể gây đau đớn, trong khi đó thai máy chỉ làm bụng mẹ thay đổi ở một vùng nhất định.
Sau 5 tháng không thấy thai máy là một dấu hiệu đáng ngại: Trong thời gian đầu của thai kỳ có thể mẹ chưa cảm nhận được những hoạt động yếu ớt của thai nhi. Nhưng nếu đã đến tháng thứ 5 mà mẹ vẫn không cảm nhận được cử động của bé qua hiện tượng thai máy thì có thể thai nhi đã gặp vấn đề. Thường thai nhi đã chết lưu hoặc bị một số vấn đề cần can thiệp khẩn cấp.
Mỗi giờ bé máy 3 đến 4 lần: Mức trung bình máy của thai nhi là khoảng 3 đến 4 lần/ giờ. Nếu mẹ cảm thấy ít hơn mức này thì có lẽ thai nhi đang gặp vấn đề về sức khỏe hay đơn giản là bé đang say giấc. Ngược lại nếu mẹ thấy bé quẫy đạp nhiều hơn thì có thể bé đang bị thiếu oxy. Mẹ cần xác định lý do bé bị thiếu oxy để khắc phục nhanh chóng.
Tăng giảm số lần đạp có thể là tín hiệu báo động: Nếu mức thai máy của bé thay đổi bất thường, tăng hoặc giảm, so với mức trung bình thì bé có thể đã gặp vấn đề gì đó. Lúc này mẹ nên đến bệnh viện để được kiểm tra thai nhi toàn diện như nghe tim thai, siêu âm… Điều này sẽ giúp mẹ và bé giảm đi những rủi ro đáng tiếc nhất. Một số người quan niệm bé ít đạp là do tính cách trầm lặng. Điều này không đúng, nếu sau 1 giờ bạn không thấy bé cử động thì việc đi kiểm tra là cần thiết. Ngoài ra, bé cũng thường ít cử động hơn nếu mẹ bị hạ đường huyết.
Ít đạp hơn không phải luôn luôn là mối lo ngại: Tuy nhiên mẹ cũng không nên lo lắng nếu thấy bé không đạp trong khoảng thời gian 40 đến 50 phút. Vì có thể lúc này bé chỉ muốn nằm nghỉ một lát. Nói chung, giới hạn an toàn là dưới 60 phút. Ngoài ra nếu mẹ đang có thai đến tuần thứ 36 thì có thể thai nhi cũng ít cử động hơn vì lúc này không gian trong bụng mẹ đã không còn đủ rộng để cho bé duỗi chân tay.