Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill
Sức khỏe và hạnh phúc? – Có thể bạn đang có. Giàu có? – Bạn có thể đạt được. Quyền lực? – Bạn cũng có nhiều vô kể trong chính bản thân mình. Nhưng bạn phải xác định xem bạn có sẵn lòng trả giá để đúc kết và áp dụng các nguyên tắc đem lại thành công được đưa ra trong cuốn sách này nhằm đạt được những giá trị đích thực của cuộc sống hay không. Lựa chọn này là của bạn, và của riêng bạn mà thôi.
Tuyển tập những bài viết trong Bí Quyết Làm Giàu Của Napoleon Hill nhằm giúp bạn qua mỗi tuần lại nỗ lực hơn nữa để đạt được thành tích cao hơn cũng như trở nên giàu có hơn. Như W. Clement Stone đã viết trong Lời mở đầu, động lực là một ngọn lửa cần được liên tục tiếp thêm nhiên liệu nếu bạn muốn ngọn lửa ấy cháy mãi.
Cuốn sách này có 52 bài viết, tương ứng 52 tuần trong năm. Mỗi tuần, bạn hãy đọc một bài trong một thời gian nhất định – khi đó, bạn sẽ có cơ hội suy ngẫm những ý nghĩa sâu xa trong lời khuyên của Napoleon Hill. Không có bài viết nào dài dòng, cũng chẳng có bài viết nào khó hiểu. Nhưng tất cả sẽ là một thử thách đối với bạn. Sau khi biên tập những bài viết này, tôi có thể nói với các bạn rằng sau mỗi lần đọc lại, trong tôi lại xuất hiện nhiều nguồn cảm hứng mới.
Nếu đã sẵn sàng tìm hiểu và áp dụng những nguyên tắc chung hết sức đơn giản được đề cập trong những trang sách này, ngay bây giờ bạn có thể tự chuẩn bị bằng cách xác định chính xác mục tiêu mà bạn muốn đạt được. Khi đã có một mục đích cụ thể và biết rõ các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, bạn sẽ dễ nắm bắt, liên tưởng, so sánh và áp dụng những nguyên tắc, biện pháp giúp bạn đạt được mục tiêu đề ra.
Bạn cần phải có không gian và thời gian để suy ngẫm về điều mình vừa đọc. Công việc khó khăn nhất với tôi khi chọn lọc những bài viết này là mỗi khi đọc lại một bài viết nào đó mà mình còn đang cân nhắc về việc có nên đưa vào cuốn sách này hay không, tôi đều nhận thấy những ý tưởng mới, những thông điệp mới. Đó chính là lý do vì sao bạn nên nghiền ngẫm nhiều lần những nguyên tắc đưa ra trong quyển sách. Bạn sẽ thấy trưởng thành hơn rất nhiều sau mỗi lần đọc lại như thế, bạn sẽ tiếp thu những kiến thức mới và lĩnh hội từng bài viết theo một chiều sâu mới.
Bạn chẳng cần phải là nhà chiêm tinh hay tiên tri mới đoán trước được tương lai của một ai đó, nhưng bạn có thể nhìn thấy tương lai người khác bằng cách đặt cho họ một câu hỏi đơn giản: “Chính xác thì mục đích sống của bạn là gì – và bạn có kế hoạch gì để đạt được mục đích đó?”.
Nếu bạn đặt câu hỏi này cho 100 người, thì 98 người sẽ trả lời đại loại thế này: “Tôi muốn kiếm được nhiều tiền và thành đạt hết mức có thể”. Xét bề ngoài thì câu trả lời này nghe rất có mục đích, nhưng nếu nghĩ sâu hơn một chút, bạn sẽ thấy người trả lời thuộc tuýp người sống phó mặc cho số phận, họ sẽ chẳng bao giờ đạt được điều gì trong cuộc sống trừ những thành quả còn sót lại từ những người thực sự thành đạt – những người có một mục đích sống rõ ràng và có một kế hoạch cụ thể để đạt được mục đích đó. Để thành công, ngay lúc này, bạn cần xác định chính xác các mục tiêu của bạn là gì và vạch ra các bước đi để đạt được những mục tiêu đó.
Nhiều năm về trước, tôi làm việc với một cộng sự tên là Stuart Austin Wier, người thành phố Dallas, Texas, Mỹ. Anh là cộng tác viên cho một tạp chí và chỉ đủ sống từ công việc đó. Có thể anh sẽ vẫn tiếp tục công việc viết lách với mức lương còm cõi đó nếu như câu chuyện mà anh viết về một nhà phát minh không bất ngờ thôi thúc anh thay đổi cuộc đời mình. Những người quen biết anh đều hết sức ngạc nhiên khi nghe anh tuyên bố sẽ từ bỏ nghề báo và tiếp tục con đường học vấn để trở thành luật sư về bằng sáng chế. Stuart không đặt mục tiêu trở thành một luật sư về bằng sáng chế thường thường bậc trung, mà trở thành “một luật sư giỏi nhất về bằng sáng chế tại Mỹ”. Anh hăng hái thực thi kế hoạch của mình và đã hoàn thành khóa học trong một khoảng thời gian kỷ lục.
Khi bắt đầu đi vào công việc mới, Stuart tìm những vụ kiện khó giải quyết nhất. Danh tiếng của anh nhanh chóng lan rộng trên khắp nước Mỹ. Dù giá phí anh đưa ra rất cao nhưng số người đề nghị anh tư vấn, tranh tụng mà anh phải từ chối (vì anh không có đủ thời gian cho tất cả) còn nhiều hơn số khách hàng được anh chấp nhận.
Một trong những doanh nhân sở hữu “nhượng quyền kinh doanh” (franchise) đầu tiên và thành công nhất tại Mỹ là Lee Maranz – một người biết rõ mình muốn gì và làm thế nào để đạt được điều mình muốn. Là một kỹ sư cơ khí, Maranz đã phát minh ra máy làm kem tự động có thể làm ra kem mịn. Ông mơ ước có một chuỗi những cửa hàng kem trên khắp các bờ biển, và đã vạch ra một kế hoạch để biến ước mơ thành hiện thực.
Cũng như nhiều cá nhân khác cùng thời, Maranz đã gặt hái thành công cho mình bằng cách giúp người khác thành công. Ông đã giúp nhiều người mở cửa hàng bán kem bằng việc nhượng quyền kinh doanh. Đây là một ý tưởng mang tính cách mạng vào thời đó. Ông đã bán những chiếc máy làm kem theo giá vốn và kiếm lời từ việc bán máy trộn kem. Vậy kết quả ra sao? Đó chính là sự ra đời của chuỗi cửa hàng mà Maranz đã quyết tâm xây dựng trên toàn nước Mỹ. Ông nói: “Nếu bạn có một niềm tin mãnh liệt vào bản thân, vào những việc bạn đang làm, và việc bạn muốn làm, thì không có trở ngại nào là không thể vượt qua.”
Nếu bạn muốn thành đạt, hãy chọn hôm nay làm ngày chấm dứt kiểu sống phó mặc cho số phận. Hãy xác định một mục tiêu rõ ràng cho mình. Hãy viết mục tiêu đó ra giấy và khắc cốt ghi tâm nó. Hãy xác định rõ bạn cần lên kế hoạch như thế nào để đạt được mục tiêu đó. Hãy bắt đầu bằng việc ngay lập tức biến kế hoạch thành hành động.
Tương lai của bạn là do bạn tạo nên. Ngay lúc này, hãy là người quyết định tương lai mình.
“Chính sự lựa chọn – chứ không phải cơ hội, quyết định số phận bạn.” “IT’S CHOICE – NOT CHANCE – THAT DETERMINES YOUR DESTINY.”- Jean Nidetch
Tâm hồn bạn sẽ chẳng bao giờ thanh thản nếu để người khác sống hộ cuộc đời bạn.
Một thực tế không thể chối cãi là Đấng Sáng tạo đã ban cho chúng ta một đặc quyền trọn vẹn. Đó là đặc quyền làm chủ một thứ, và chỉ một thứ duy nhất: trí tuệ của chính chúng ta. Hẳn là khi ban cho chúng ta đặc quyền này, Đấng Sáng tạo muốn khuyến khích chúng ta sống cuộc đời của chính mình, có những suy nghĩ của riêng mình và không để người khác can thiệp vào. Chỉ bằng cách sử dụng đặc quyền này vào việc kiểm soát trí tuệ và cuộc sống của mình bạn mới có thể tiến tới những nấc thang thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Nếu thiên tài là người kiểm soát và định hướng được hoàn toàn trí óc mình thì đây cũng là phương cách có thể giúp bạn trở thành thiên tài.
Chúng ta từng nghe những câu chuyện về những con người nổi tiếng từng biến nghịch cảnh thành yếu tố thuận lợi. Họ đã vượt qua trở ngại để trở nên giàu có và nổi tiếng. Họ là những Henry Ford, Thomas Edison, Andrew Carnegie, Wilbur và Orville Wright…
Tuy nhiên, còn nhiều người khác tuy không sánh bằng các vĩ nhân nói trên nhưng họ cũng không chấp nhận thất bại. Nhiều năm trước đây, một thanh niên trẻ tuổi từng phục vụ trong quân đội đến gặp tôi để xin việc. Anh ta kể rằng anh ta đang hết sức bất mãn và chán nản; rằng anh ta chỉ mong có cái để ăn và một nơi để ngủ qua đêm. Ánh mắt anh ta đờ đẫn vô hồn – một ánh mắt khiến tôi nghĩ rằng đối với anh ta, mọi hy vọng đều đã chết. Chàng trai này, nếu thay đổi thái độ sống, hoàn toàn có thể trở nên giàu có.
Tôi hỏi anh ta: “Anh có nghĩ cách để trở thành triệu phú không? Tại sao anh lại chấp nhận một cuộc sống nghèo khổ trong khi anh hoàn toàn có thể kiếm được hàng triệu đô-la?”
Anh ta đáp lại: “Ông đùa à? Tôi đang chết đói đây, và tôi chỉ cần một việc làm thôi”.
Tôi trả lời: “Tôi không đùa đâu anh bạn. Tôi hoàn toàn nghiêm túc đấy. Anh có thể kiếm được hàng triệu đô-la, chỉ cần anh sẵn lòng sử dụng những tài sản mà anh đang có.”
Anh ta thốt lên: “Ông nói tài sản nghĩa là thế nào? Tôi chẳng có tài sản gì ngoài bộ quần áo trên người!”
Dần dần, qua câu chuyện, tôi biết được anh ta từng là nhân viên bán hàng của công ty Fuller Brush nổi tiếng tại Mỹ trước khi gia nhập quân đội. Trong thời gian tại ngũ, anh làm công việc nấu nướng cho quân đội và nấu ăn khá giỏi. Nói cách khác, bên cạnh hai đặc điểm trời cho là một cơ thể khỏe mạnh và tư duy có thể thay đổi theo hướng lạc quan, tài sản của người thanh niên này còn bao gồm việc anh ta có thể nấu ăn và có khả năng bán hàng.
Tất nhiên, cả việc bán hàng lẫn nấu ăn đều không hứa hẹn đưa bạn vào hàng ngũ các triệu phú, nhưng điều cần lưu ý là chàng thanh niên này lại tự tách mình ra khỏi nhịp sống thường nhật của xã hội. Và anh ta hãy còn khá lạ lẫm với nguồn trí lực sẵn có của mình.
Trong hai giờ trò chuyện với người thanh niên này, tôi nhận ra sự chuyển biến ở anh ta từ một người bi quan, thất vọng thành một người có suy nghĩ lạc quan hơn. Sự thay đổi lớn đó có được là nhờ sức mạnh từ một ý tưởng bất chợt: “Tại sao ta lại không tận dụng khả năng tiếp thị của mình để thuyết phục các bà nội trợ mời hàng xóm láng giềng của họ đến dự một bữa tối tại gia, rồi nhân cơ hội đó bán đồ dùng nhà bếp cho họ?”.
Tôi đã cho anh ta vay một số tiền đủ để mua vài bộ quần áo và trao cho anh ta bộ đồ dùng nhà bếp đầu tiên, sau đó mọi việc do anh ta tự quyết định. Trong tuần lễ đầu tiên, anh chàng bán sạch bộ đồ dùng nhà bếp bằng nhôm trị giá gần 100 đô-la. Tuần kế tiếp, doanh thu tăng gấp đôi. Sau đó, anh ta bắt đầu hướng dẫn những nhân viên bán hàng khác bán những đồ dùng nhà bếp tương tự.
Bốn năm sau, anh ta kiếm được hơn một triệu đô-la mỗi năm và bắt tay vào thực hiện một kế hoạch bán hàng táo bạo mở ra một ngành công nghiệp dịch vụ mới cho nước Mỹ. Khi những điều ràng buộc tâm trí con người được tháo gỡ, và con người làm chủ được hoàn toàn chính bản thân mình thì tôi cho rằng mọi nỗi lo sợ sẽ biến mất và người đó sẽ được hưởng niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống.
Tuần thứ 3 Tự khích lệ bản thân để gặt hái thành công
Phần thưởng lớn nhất mà sự thành công mang lại chính là cảm giác thỏa mãn. Mặc dù nhiều người thường cho rằng tổng giá trị tài sản mới là thước đo của thành công. Đúng, nhưng đó chỉ là một trong những thước đo mà thôi. Thành công thực sự được đo bằng cảm giác thỏa mãn khi biết rằng ta đã hoàn thành một công việc và làm tốt việc đó – rằng ta đã đạt được mục tiêu tự đặt ra cho bản thân.
Nhà vật lý nổi tiếng Einstein, cha đẻ của Thuyết tương đối là một ví dụ điển hình. Ông chưa bao giờ trở thành người giàu có trong suốt cuộc đời mình. Nhưng ai có thể nói rằng ông là người không thành công? Einstein đã đạt tới đỉnh cao sự nghiệp của mình và thay đổi cả thế giới vì ông biết rõ mình muốn làm điều gì và đã lên kế hoạch để đạt được mục tiêu đó.
Vậy bạn có thể tự khích lệ bản thân như thế nào để đạt tới thành công? Câu trả lời là hãy làm theo phương pháp mà Einstein và tất cả những người thành công đã làm. Hãy nhen nhóm và thổi bùng lên khao khát cháy bỏng về một điều gì đó mà bạn muốn đạt được, biến nó thành một mục tiêu lớn của cuộc đời mình. Và hãy nhớ rằng, có một sự khác biệt lớn giữa việc đơn thuần chỉ mong muốn một điều gì đó và việc xác định rõ bạn sẽ làm gì để đạt được mong muốn đó. Khi đã có một niềm khao khát cháy bỏng như thế, bạn hãy nâng nó lên thành một mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Mục tiêu đó sẽ giúp bạn đẩy lùi những trở ngại mà trước đó tưởng chừng như bạn không thể vượt qua. Mọi việc đều có thể làm được đối với những ai tin rằng việc đó họ làm được.
Bạn hãy đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống. Hãy viết mục tiêu đó ra giấy và khắc cốt ghi tâm. Hãy hướng mọi suy nghĩ và sức lực của bạn vào việc biến mục tiêu đó thành sự thật. Thay vì để những yếu tố bất ngờ khiến bạn đi chệch hướng, hãy tìm xem liệu trong những yếu tố bất ngờ đó có điều thuận lợi nào có thể giúp bạn đi đúng hướng trên con đường chinh phục mục tiêu hay không.
Khi Henry Ford bắt đầu nghiên cứu “chiếc ô tô cà tàng” đầu tiên của mình, ông đã bị những người có tầm nhìn hạn hẹp – chủ yếu là họ hàng và láng giềng của ông – cười nhạo. Một số người còn gọi ông là “nhà phát minh điên rồ”. Nhưng dù có điên rồ hay không, thì Henry Ford vẫn biết rõ mình muốn gì, và có một khao khát cháy bỏng là đạt được điều mình mong muốn. Ông không nản lòng trước bất cứ trở ngại nào. Dù không được đào tạo chính quy để trở thành thợ cơ khí, nhưng Henry Ford có khả năng tự học. Không gì có thể cản trở được bước tiến của một người quyết tâm đạt được mục tiêu của cuộc đời mình.
Henry Ford đã thay đổi diện mạo của cả nước Mỹ. Những chiếc xe ô tô được sản xuất hàng loạt của ông giúp cho việc đi lại, vận chuyển trở nên dễ dàng hơn với các gia đình và nâng cao vị thế của nước Mỹ. Tất cả các ngành nghề đều phát triển với sự ra đời của ô tô: Nếu không có những chiếc “Ô Tô Rẻ Tiền” của Henry Ford thì cũng chẳng cần có mạng lưới đường cao tốc và các công trình xây dựng bổ trợ, các trạm dịch vụ, các cửa hàng bán thức ăn nhanh hoạt động theo phương thức nhượng quyền kinh doanh và các khách sạn nhỏ ven đường dành cho khách đi xe ô tô.
Một ví dụ điển hình khác là doanh nhân nổi tiếng người Mỹ John Wanamaker. Ông vốn là nhân viên của một cửa hàng bán lẻ tại Philadelphia. Ngay từ đầu, ông đã nung nấu ý chí rằng một ngày nào đó sẽ làm chủ một cửa hàng bán lẻ tương tự. Khi ông nói điều này với người chủ cửa hàng, ông ta đã cười to và nói: “Làm thế nào mà được hả John, anh còn chẳng có đủ tiền để mua thêm quần áo mặc cơ mà?”.
Wanamaker đáp lại: “Đúng vậy, thưa ông. Nhưng tôi muốn có một cửa hàng giống của ông, thậm chí một cửa hàng to đẹp hơn ấy chứ. Và tôi sẽ sớm đạt được điều đó.”
Và kết quả là Wanamaker đã đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp, ông sở hữu một trong những cơ sở may mặc lớn nhất trên nước Mỹ.
Nhiều năm sau khi trở thành người thành đạt, Wanamaker cho hay: “Tôi hầu như chẳng được học hành gì cả. Nhưng tôi biết cách tiếp nhận những kiến thức cần thiết theo kiểu chiếc đầu tàu tiếp nước trong khi vận hành – tôi tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình làm việc”.
Bạn hãy nhớ rằng, Con người có thể đạt được bất cứ điều gì mà tâm trí họ nghĩ tới và tin tưởng. Bất cứ điều gì bạn nhận thức được và tin tưởng rằng bạn sẽ thành công, điều đó chắc chắn sẽ trở thành sự thực. Ngay từ hôm nay, bạn hãy bắt đầu từ chính vị trí hiện tại của mình.
Người thành đạt thường biết chính xác mình muốn gì, có kế hoạch để đạt được điều mình muốn, tin rằng mình có khả năng đạt được mong muốn, và dành phần lớn quỹ thời gian của mình vào việc đạt được mục tiêu. Ngược lại, người thất bại không có mục tiêu rõ ràng nào trong cuộc sống, họ tin rằng tất cả thành công trên đời đều do “vận may” đem lại, và chỉ hành động khi bị ép buộc mà thôi.
Người thành đạt là một người bán hàng khéo léo, tài giỏi, nắm rõ nghệ thuật tác động tới khách hàng để cùng hợp tác trên tinh thần cởi mở nhằm thực hiện những kế hoạch và đạt được mục đích của mình. Còn người thất bại lại hay chê trách người khác, họ không thành công vì luôn phê phán, chỉ trích.
Người thành đạt chỉ bộc lộ quan điểm sau khi đã thấu hiểu vấn đề, vì thế họ có cách thể hiện quan điểm hết sức khôn ngoan. Trái lại, người thất bại lại thể hiện quan điểm về những vấn đề mà họ hầu như chẳng biết gì hoặc thậm chí là không biết chút gì về nó cả.
Người thành đạt thường biết cách cân đối thời gian, thu nhập và chi tiêu. Họ chi tiêu trong phạm vi kiếm được. Còn người thất bại thì lãng phí và xem thường giá trị của thời gian và tiền bạc.
Người thành đạt thường quan tâm tới mọi người, đặc biệt là những người có điểm chung với họ, và nuôi dưỡng mối quan hệ, tình bạn với những người đó. Còn người thất bại lại chỉ chú trọng đến mối quan hệ với những ai mà họ mong tìm kiếm được lợi ích nào đó.
Người thành đạt là người có tâm hồn rộng mở, sẵn sàng tiếp thu cái mới, có cái nhìn thông thoáng về mọi vấn đề và có tấm lòng khoan dung với mọi người. Còn người thất bại lại có cái nhìn hạn hẹp, không có đức tính khoan dung, điều này khiến họ không nhận thấy những thời cơ thuận lợi và không được mọi người nhiệt tình hợp tác, giúp đỡ.
Người thành đạt luôn theo kịp thời đại và coi việc nắm bắt rõ những gì đang diễn ra, không chỉ trong công việc kinh doanh, trong lĩnh vực chuyên môn hay đối với những người xung quanh mình mà với cả thế giới bên ngoài là một nhiệm vụ quan trọng. Còn người thất bại thì chỉ quan tâm đến bản thân mình, những nhu cầu trước mắt của mình, đạt được điều mình muốn bằng mọi giá – dù đúng hay sai.
Người thành đạt luôn giữ tinh thần và cách nhìn đời lạc quan. Họ hiểu rằng chỗ đứng của họ trên thế giới này và thành công mà họ có được tùy thuộc vào sự sẵn lòng giúp đỡ và hiệu quả từ sự giúp đỡ người khác của họ. Họ có thói quen giúp đỡ người khác nhiều hơn sự trông đợi. Còn người thất bại lại luôn có thói tư lợi, hoặc tìm cách chộp lấy những khoản chia chác ngầm mà bản thân họ không tạo ra. Và khi không đạt được điều gì thì họ lại đổ lỗi cho người khác.
Người thành đạt luôn bày tỏ thái độ tôn kính đối với Đấng Sáng Tạo, và thường bộc lộ lòng tôn kính đó qua những lời cầu nguyện và hành động giúp đỡ người khác. Còn người thất bại lại chẳng tin vào ai, vào điều gì, ngoại trừ nhu cầu ăn ở của mình, và làm lợi cho bản thân trên sự khốn khó của người khác bất cứ lúc nào và nơi nào có thể.
Nhìn chung, giữa người thành đạt và thất bại có một sự khác biệt lớn về lời nói cũng như hành động. Điều quyết định bạn là người thành đạt hay thất bại chính là thái độ của bạn đối với bản thân và những người sống xung quanh bạn đấy!
“Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi lòng nhiệt thành.“ “SUCCESS IS THE ABILITY TO GO FROM ONE FAILURE TO ANOTHER WITH NO LOSS OF ENTHUSIASM.”- Sir Winston Churchill